Trong đấu thầu chúng ta gặp không ít tình huống giá dự thầu vượt giá gói thầu xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Vậy xử lý tình huống giá dự thầu vượt giá gói thầu như thế nào, hãy cùng theo dõi bài viết Daugiahaiphong.vn của chúng tôi
Giá gói thầu là gì?
Trước hết để tìm hiểu vấn đề chúng ta cần biết giá gói thầu là gì? Giá gói thầu là giá trị của gói thầu (bằng tiền) được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu, là mức ngân sách tối đa mà Chủ đầu tư xác định cho gói thầu đó và cũng là cơ sở để xem xét phê duyệt trúng thầu (Khi giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt), giá ký hợp đồng thì không được vượt giá trúng thầu. Nó là giới hạn ngân sách tối đa mà Chủ đầu tư chi trả cho gói thầu đó, trường hợp cần phải điều chỉnh thì nó sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu chung của dự án, thủ tục tương đối phức tạp. Tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng của dự án, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng được phê duyệt là cơ sở để xác định, phê duyệt giá gói thầu. Trước đây chúng tôi đã có bài viết khá kỹ về vấn đề giá gói thầu, các bạn có thể xem TẠI ĐÂY.
Xử lý tình huống giá dự thầu vượt giá gói thầu ra sao
Thông thường giá dự thầu (tức giá công bố tại thời điểm mở thầu) được nhà thầu nêu trong đơn dự thầu mới chỉ là con số, chưa phải là kết quả đánh giá cuối cùng của Tổ chuyên gia/Bên mời thầu. Ở đây chúng ta quan tâm đến giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chính sai lệch trừ đi giảm giá mới so với giá gói thầu. Trường hợp đối với đấu thầu qua mạng thì gần như ít xảy ra tình trạng sửa lỗi hiệu chỉnh sai lệch nữa do các form biểu đã được thực hiện và tính toán tự động giá dự thầu sau khi nhà thầu nhập đơn giá dự thầu. Do đó với đấu thầu qua mạng về cơ bản giá dự thầu (được hiểu là giá dự thầu sau khi trừ đi giảm giá – nếu có – được công bố ngay khi mở thầu) là có thể so sánh ngay với giá gói thầu, trường hợp vượt giá gói thầu thì được xử lý theo 1 trong các tình huống sau:
- Cho phép các nhà thầu này được chào lại giá dự thầu nếu giá gói thầu đã bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí thực hiện gói thầu;
- Cho phép đồng thời với việc các nhà thầu chào lại giá dự thầu, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét lại giá gói thầu, nội dung hồ sơ mời thầu đã duyệt, nếu cần thiết. Trường hợp cho phép các nhà thầu được chào lại giá dự thầu thì cần quy định rõ thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ chào lại giá dự thầu nhưng không quá 10 ngày, kể từ ngày bên mời thầu gửi văn bản đề nghị chào lại giá dự thầu cũng như quy định rõ việc mở các hồ sơ chào lại giá dự thầu theo quy trình mở thầu quy định tại Điều 29 của Nghị định này. Trường hợp cần điều chỉnh giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh trước ngày mở hồ sơ chào lại giá dự thầu nhưng tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị điều chỉnh song phải bảo đảm trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ chào lại giá dự thầu;
- Cho phép mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất vào đàm phán về giá nhưng phải bảo đảm giá sau đàm phán không được vượt giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất. Trường hợp cần điều chỉnh giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh trong thời gian tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị điều chỉnh. Trường hợp đàm phán không thành công thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào đàm phán. Cách thức này chỉ áp dụng đối với trường hợp gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế của dự án, gói thầu.